Bưu chính Công ty Đông Ấn cai trị Ấn Độ

Dịch vụ bưu chính

Trước năm 1837, trên lãnh địa của Công ty Đông Ấn tại Ấn Độ không có dịch vụ bưu chính công cộng phổ thông. Dịch vụ chuyển phát nhanh giúp kết nối các thị trấn quan trọng với thủ phủ tỉnh, còn các cá nhân chỉ sử dụng tiết kiệm do vấn đề chi phí. Tình hình này thay đổi theo Đạo luật XVII vào năm 1837, khi chính phủ của Công ty thành lập và điều hành dịch vụ bưu chính công cộng. Bưu điện được thành lập tại các đô thị chính, và những người quản lý bưu điện được bổ nhiệm. Người quản lý bưu điện của các đô thị thủ phủ tỉnh chịu trách nhiệm về các dịch vụ bưu chính chính yếu giữa các tỉnh, và còn giám sát một số bưu điện cấp tỉnh. Ngược lại, người thu thuế cấp huyện (District collector, ban đầu là người thu thuế đất) chỉ đạo các bưu điện huyện, bao gồm cả các dịch vụ bưu chính địa phương. Dịch vụ bưu chính yêu cầu thanh toán trước bằng tiền mặt, tiền phí thường thay đổi tùy theo trọng lượng và khoảng cách. Ví dụ: phí gửi một lá thư từ Calcutta đến Bombay là một rupee; tuy nhiên, giá từ Calcutta đến Agra là 12 anna (hoặc 3/4 rupee) cho mỗi tola (3/8 ounce).[89][90]

Đạo luật Bưu chính Ấn Độ năm 1854 được thông qua sau khi nhận được khuyến nghị của một ủy ban đánh giá vào năm 1850. Theo đạo luật này, toàn bộ sở bưu chính do một "Tổng giám đốc" (Director-General) lãnh đạo; Postmaster-General quản lý hệ thống bưu chính của các tỉnh lớn (như tỉnh Bombay), còn Presidency Postmaster quản lý tại các tỉnh ít quan trọng (như Ajmer-Merwara). Tem bưu chính được áp dụng vào thời điểm này, và giá cước bưu chính được cố định theo trọng lượng, không còn phụ thuộc vào khoảng cách giao hàng. Mức giá thư nội địa thấp nhất là nửa anna cho 1⁄4 tola, 1 anna cho 1⁄2 tola và 2 anna cho 1 tola, giảm đáng kể so với mức giá của 17 năm trước. Bưu điện Ấn Độ vận chuyển thư, báo, bưu thiếp, kiện sách và bưu kiện. Số lượng hàng được vận chuyển tăng đều đặn; đến năm 1861 (ba năm sau khi Công ty kết thúc cai trị), có tổng cộng 889 bưu điện được mở và gần 43 triệu lá thư và hơn 4,5 triệu tờ báo được giao hàng năm.[91]

  • Hai tem 4 anna được phát hành vào năm 1854. Tem được phát hành lần đầu tiên cho toàn bộ Ấn Độ thuộc Anh vào năm 1854.
  • Một lá thư gửi từ Bombay đến Venezia, trong những con tem 4 anna quý hiếm này, phần đầu tem vô tình bị lộn ngược so với khung.

Điện báo

Trước khi điện báo ra đời, từ "telegraph" đã được sử dụng cho tín hiệu bằng cờ hoặc đèn (semaphore). Trong giai đoạn 1820–1830, Chính phủ Công ty Đông Ấn ở Ấn Độ đã nghiêm túc xem xét việc xây dựng các tháp tín hiệu trên suốt tuyến từ Calcutta đến Bombay, mỗi tháp cao 100 feet (30 m) và cách nhau 8 mile (12,8 km). Mặc dù những tòa tháp này cũng được xây dựng tại Bengal và Bihar nhưng chưa có mạng lưới semaphore trên toàn Ấn Độ. Điện báo trở nên khả thi vào giữa thế kỷ đó, khiến việc truyền tín hiệu thủ công trở nên lỗi thời.

W. B. O'Shaughnessy là giảng viên hoá học tại Trường Y tế Calcutta, ông được phép tiến hành chạy thử dịch vụ điện báo từ Calcutta dọc theo sông Hooghly đến Diamond Harbour vào năm 1851. Bốn văn phòng điện báo cũng được mở dọc sông trong cùng năm, chủ yếu phục vụ hoạt động kinh doanh liên quan đến vận tải biển. Máy thu điện báo được sử dụng trong thử nghiệm là gavanô kế do O'Shaughnessy thiết kế và sản xuất tại Ấn Độ. Khi thử nghiệm được cho là thành công, Toàn quyền Ấn Độ là Huân tước Dalhousie xin phép Hội đồng quản trị của Công ty để xây dựng đường dây điện báo từ "Calcutta đến Agra, Agra đến Bombay, Agra đến Peshawar, và Bombay đến Madras, kéo dài trên 3.050 mile (4.908 km) và bao gồm 41 văn phòng". Công ty nhanh chóng cấp phép, đến tháng 2 năm 1855 thì tất cả các đường dây điện báo được xây dựng xong, truyền đi các tin nhắn trả phí. Dụng cụ của O'Shaughnessy được sử dụng trên khắp Ấn Độ đến đầu năm 1857, sau đó nó được thay thế bằng dụng cụ Morse. Đến năm 1857, mạng điện báo đã mở rộng tới 4.555 mile (7.330 km) đường dây và 62 văn phòng, và đã vươn xa tới khu nghỉ dưỡng vùng cao Ootacamund trên vùng đồi Nilgiri và cảng Calicut trên bờ biển phía tây nam Ấn Độ. Trong khởi nghĩa Ấn Độ 1857, hơn 700 mi (1.126 km) đường dây điện báo đã bị quân khởi nghĩa phá hủy, chủ yếu là tại tỉnh Tây-Bắc. Tuy nhiên, Công ty Đông Ấn vẫn có thể sử dụng các đường dây nguyên vẹn còn lại để gửi cảnh báo đến nhiều tiền đồn. Do đó, công nghệ mới đã khẳng định rõ giá trị về chính trị, và các đường dây bị phá hủy được xây dựng lại trong năm tiếp theo và mạng lưới còn được mở rộng thêm 2.000 mile (3.218 km).[92]

Cuộc thử nghiệm của O'Shaughnessy năm 1851–52 bao gồm cả đường dây trên không và đường dây ngầm; đường dây ngầm bao gồm các đoạn đi dưới sông HooghlyHaldi. Đường dây trên không được thi công bằng cách hàn các thanh sắt không cách điện, dài 13 1⁄2 feet (4,1 m) và rộng 3/8 inch (9,5 mm). Những đường dây này nặng 1.250 pound/mile, được giữ trên cao bằng những cọc tre dài 15 feet (4,6 m), cắm xuống đất với khoảng cách bằng nhau, và được phủ một lớp nhựa than đá và hắc ín để cách điện. Đường dây dưới nước được sản xuất tại Anh, và bao gồm dây đồng được bọc bằng mủ cây gutta-percha. Một đường dây dưới nước có chiều dài 2.070 yard (1,9 km) bên dưới sông Hooghly tại Diamond Harbour, và một đường dây khác dài 1.400 yard qua sông Haldi tại Kedgeree.

Công việc xây dựng các đường dây dài, từ Calcutta đến Peshawar (qua Agra), Agra đến Bombay, và Bombay đến Madras bắt đầu vào năm 1853. Vật liệu dẫn điện được chọn cho các đường dây này giờ đây nhẹ hơn và cột chống chắc chắn hơn. Gỗ được sử dụng làm cột chống, bao gồm gỗ tếch, chai, lãnh sam, gỗ cứng hoặc gỗ đen (Terminalia elata). Một số đoạn có cột chống vững chắc đồng đều; như tuyến Bombay-Madras dài 322 mile (518 km) có các cột đá granit cao 16 feet (4,87 m). Một số dây hoặc thanh dẫn điện đã được cách điện, vật liệu cách điện được sản xuất tại Ấn Độ hoặc Anh; các đoạn dây khác vẫn không được cách điện. Đến năm 1856, ống sắt bắt đầu được sử dụng làm cột chống, và được sử dụng ngày càng nhiều vào nửa sau thế kỷ 19 trên khắp Ấn Độ.

Đạo luật điện báo đầu tiên của Ấn Độ là Đạo luật XXXIV của Quốc hội Anh vào năm 1854. Đến khi dịch vụ điện tín công cộng được hình thành vào năm 1855, mức phí được cố định là một rupee cho mỗi 16 từ cho mỗi 400 mile (643 km) truyền tin. Mức phí tăng gấp đôi đối với các bức điện được gửi từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng. Mức giá này được giữ cố định cho đến năm 1882. Vào năm 1860–61, tức hai năm sau khi Công ty chấm dứt cai trị, Ấn Độ có 11.093 mile (17.852 km) đường dây điện báo và 145 văn phòng điện báo. Năm đó, công chúng đã chi trả 500.000 rupee cho phí điện báo, trong khi chi phí hoạt động của Cục Điện báo Ấn Độ là 1,4 triệu rupee và chi phí tài sản cố định tính đến cuối năm tổng cộng là 6,5 triệu rupee.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Công ty Đông Ấn cai trị Ấn Độ https://books.google.com/books?id=o9sCEAAAQBAJ&pg=... https://books.google.com/books?id=52aicl9l7rwC&pg=... https://books.google.com/books?id=d_J5DwAAQBAJ&pg=... https://books.google.com/books?id=8bqEzPPp8xIC&pg=... https://books.google.com/books?id=DJgnebGbAB8C&pg=... https://books.google.com/books?id=uzOmy2y0Zh4C&dq=... https://web.archive.org/web/20210501082716/https:/... https://web.archive.org/web/20191219213715/https:/... http://www.wolframalpha.com/entities/historical_ev... http://www.wdl.org/en/item/393/